Hội thảo quốc tế “Bệnh ký sinh trùng động vật lây sang người mới xuất hiện"

HỘI THẢO QUỐC TẾ
"Bệnh ký sinh trùng động vật lây sang người mới xuất hiện: Dịch tễ, chẩn đoán và phòng chống ở các nước Châu Á"

(EMERGING PARASITIC ZOONOSES IN ASIAN COUNTRIES)

 

Nghiên cứu bệnh k‎í sinh trùng động vật lây sang người (KSTĐVLSN) tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rất lớn và đang được sự quan tâm của cộng đồng khoa học thế giới. Trong giai đoạn hơn 15 năm qua, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KSTĐVLSN đã tập hợp được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có hàng loạt công trình đăng trên các tạp chí quốc tế xuất phát từ những nghiên cứu tại Việt Nam. Bệnh ký sinh trùng không chỉ gây ra các thiệt hại về kinh tế mà còn tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người thậm chí gây ra nguy cơ tử vong. Trước tình hình bệnh ký sinh trùng tăng cao gây ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, việc nghiên cứu dịch tễ học, chẩn đoán và đề xuất biện pháp phòng chống toàn diện là hết sức quan trọng.

 

Viện Công nghệ sinh học đã định hướng và ứng dụng nhiều phương pháp mới, đặc biệt là ứng dụng sinh học phân tử trong nghiên cứu Y sinh học phân tử nói chung và bệnh kí sinh trùng động vật lây sang người nói riêng tại Việt Nam.
Để tập hợp và tranh thủ sự hợp tác quốc tế, ngày 25/6/2012, Viện Công nghệ sinh học, với sự tài trợ kinh phí của Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED), đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chuyên đề: "Bệnh ký sinh trùng động vật lây sang người mới xuất hiện: Dịch tễ, chẩn đoán và phòng trị ở các nước Châu Á" (Emerging parasitic zoonoses: epidemiology, diagnosis and prevention in Asian countries) do PGS.TS. Lê Thanh Hòa - Viện Công nghệ sinh học chủ trì hội thảo.

 

kstrung1

 

Tại hội thảo có 10 báo cáo khoa học được các nhà nghiên cứu danh tiếng trên thế giới đến từ các nước Thái Lan, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa kỳ, Bỉ, Trung Quốc trình bày, trong đó có sự tham gia báo cáo của 2 nhà khoa học Việt Nam. Với các nội dung chủ yếu về thực trạng hiện tại các bệnh ký sinh trùng như bệnh sán lá, sán dây... truyền qua thức ăn và động vật ở vùng châu thổ sông Mê Kông, Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc; những vấn đề cần hiểu biết về sinh học các loài sán lá phổi liên quan gây nhiễm trên người; các phương pháp chẩn đoán sán lá ở người, chẩn đoán nhanh bệnh sán lá gan nhỏ clonorchiasis bằng phản ứng huyết thanh học và phương pháp DNA - vòm ty thể chẩn đoán với Opisthorchis viverrini và Multiplex-PCR với Fasciola spp; những chú trọng đặc biệt về dịch tễ học, chẩn đoán và khống chế bệnh sán dây Taenia ở Châu Á và những vấn đề bệnh kí sinh trùng động vật lây sang người ở Trung Quốc...

kstrung2
Hội thảo lần này đã giúp cho các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội học hỏi, trao đổi, thảo luận các kinh nghiệm nghiên cứu của các nước có trình độ khoa học tiên tiến trên thế giới, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, định ra các hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Nguồn tin: Viện KH&CN VN
Xử lý tin: Nguyệt Minh