Tối 03/10/2022, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V nhằm vinh danh 26 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực. Đây là giải thưởng danh giá, được trao hàng năm cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực. Đồng thời, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam; góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
(PGS. TS. Phạm Bích Ngọc thay mặt nhóm tác giả lên nhân giải thưởng)
Tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V có 48/57 nhà xuất bản tham gia với 298 tên sách và bộ sách, bao gồm 386 cuốn (tăng 14 tên sách và bộ sách, 21 cuốn sách). Giải năm nay gồm 3 mức giải: Giải A, Giải B, Giải C được trao cho 5 mảng sách: chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi.
(Hình ảnh cuốn sách "Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam")
Nhóm tác giả Chu Hoàng Hà (Chủ biên), Phạm Bích Ngọc, Phan Trọng Hoàng, Udo Conrad, Hồ Thị Thương, Phạm Thị Vân, Vũ Huyền Trang đã vinh dự được nhận Giải B cho cuốn sách "Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam" – Sách do Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ xuất bản.
(Các đơn vị nhận giải B Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V)
Nội dung cuốn sách "Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam" do GS.TS. Chu Hoàng Hà (Chủ biên) gồm 8 chương. Chương 1 trình bày các thông tin và cập nhật về tình hình bệnh cúm gia cầm, virus cúm gia cầm, tình hình nghiên cứu của vaccine phòng bệnh cúm gia cầm trong nước và trên thế giới. Chương 2 giới thiệu các thông tin khái quát về hệ thống biểu hiện tạm thời, các phương pháp tách chiết, thu hồi và tinh sạch protein. Từ chương 3 đến chương 8, nhóm tác giả trình bày các kết quả của nhóm nghiên cứu trong việc tăng cường khả năng biểu hiện, hiệu suất tinh sạch và tăng cường hoạt tính sinh miễn dịch của protein HA tái tổ hợp từ thực vật. Các kết quả được trình bày trong cuốn sách cho thấy tiềm năng của việc sử dụng kháng nguyên HA tái tổ hợp từ thực vật và công nghệ biểu hiện tạm thời trong việc phát triển vaccine cúm gia cầm, đặc biệt đối với một nước đang phát triển với mô hình chăn nuôi không tập trung có nhu cầu lớn về vaccine cúm gia cầm như Việt Nam. Đồng thời, những kết quả mới này sẽ thúc đẩy việc tăng quy mô của quá trình sản xuất kháng nguyên HA từ thực vật và thực hiện các các thí nghiệm công cường độc với virus với mục tiêu cuối cùng là có được công nghệ phù hợp để sản xuất vaccine cúm gia cầm hiệu quả.
(PGS. TS. Phạm Bích Ngọc chụp ảnh lưu niệm cùng một số tác giả)
Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc các kiến thức có hệ thống và chuyên sâu về công nghệ sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp từ cây trồng của nhóm nghiên cứu do GS.TS. Chu Hoàng Hà và các nhà khoa học tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hợp tác với nhóm nghiên cứu của GS.TS. Udo Conrad tại Viện Di truyền Thực vật và Nghiên cứu cây trồng (IPK), CHLB Đức trong hơn 15 năm. Bắt nhịp với tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tạo vaccine trong phòng chống virus cúm gia cầm, nhóm tác giả là những người tiên phong trong nghiên cứu và làm chủ được công nghệ sản xuất các kháng nguyên HA tái tổ hợp từ thực vật sử dụng công nghệ ADN tái tổ hợp, tạo nên các ứng viên tiềm năng để sản xuất vaccine phòng chống cúm gia cầm. Các ứng viên vaccine từ thực vật có tính mới cao về mặt công nghệ, hứa hẹn tạo nên các dạng sản phẩm vaccine đa dạng, kịp thời, có hiệu quả và giá thành hợp lý.
Tin và ảnh: Lê Hoàng Đức