Thông tin luận án NCS. Hoa Thị Minh Tú

  • Tên đề tài luận án: Nghiên cứu một số chủng Lactococcus phân lập ở Việt Nam và đặc điểm bacteriocin của chúng nhằm ứng dụng trong bảo quản thực phẩm
  • Chuyên ngành: Vi sinh vật học Mã số: 62 42 01 07
  • Họ và tên Nghiên cứu sinh: Hoa Thị Minh Tú
  • Họ và tên cán bộ hướng dẫn: 1. PGS.TS Lê Thanh Bình - Viện Công nghệ sinh học

2. PGS.TS Nguyễn La Anh - Viện Công nghiệp thực phẩm

  • Cơ sở đào tạo: Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Từ 50 chủng vi khuẩn lactic phân lập ở Việt Nam đã tuyển chọn được 11 chủng thuộc chi Lactococcus. Trong đó chủng PD14 có khả năng sinh tổng hợp bacteriocin cao và ức chế mạnh đối với B. cereus ATCC 21778, S. aureus ATCC 25923 và L. monocytogenes ATCC 35152. Phân loại chủng PD14 thuộc L. lactis subsp. lactis.
2. Chủng Lactococcus lactis subsp. lactis PD14 phân lập ở Việt Nam là chủng sinh nisin A. Trình tự amino acid của Nis chủng PD14 được xác định có độ tương đồng 99% với Nis A trên ngân hàng gen thế giới, đồng thời bacteriocin thu được từ chủng này có khối lượng phân tử khoảng 3, 5 kDa, bị phân hủy hoàn toàn khi xử lý với α - chymotrypsin, chịu được nhiệt độ 100°C sau 40 phút mất 10% hoạt tính.
3. Đã chọn được dòng tế bào L. lactis subsp. lactis PD14.1 kháng nisin ở nồng độ 8.000 IU/ml có khả năng tổng hợp nisin cao, sau đó sử dụng chính dòng tế bào này đưa vào mô hình tối ưu hóa bề mặt nâng cao hoạt tính. Thành phần môi trường tối ưu xác định được gồm (g/l): Cao thịt (10), cao men (5), peptone (15), saccharose (20), CH3COONa.3H2O (8,3), KH2PO4 (10), Amonicitrat (2), MgSO4.7H2O (0.2), MnSO4 (0.04), Tween 80 (1ml), sữa gầy 25 %, pH 6,8, nuôi 12 giờ ở 30 °C, lắc 100 vòng/ phút ở quy mô bình tam giác hoạt tính đạt 7.500 ÷ 7.900 IU/ml tăng 2,7 lần so với chủng gốc đã lựa chọn điều kiện thích hợp nhưng chưa qua mô hình tối ưu.
4. Thu hồi nisin bằng phương pháp hấp phụ và phản hấp phụ kết hợp với hệ thống lọc tiếp tuyến cắt phân đoạn sử dụng màng 30 kDa và 1 kDa cho hiệu suất thu hồi đạt 64 %. Chế phẩm nisin thu được có hoạt độ 500 IU/mg, độ bền nhiệt cao ở 121 °C trong 15 phút.
Màng kháng khuẩn PLA-nisin được tạo ra ứng dụng trong bảo quản thực phẩm có hoạt lực đạt 1.200 IU/cm, khả năng kháng mạnh đối với các vi sinh vật gây bệnh và gây ngộ độc thực phẩm như L. monocytogenes, S. aureus và B. cereus. Ứng dụng màng kháng khuẩn PLA-nisin trong bảo quản thực phẩm đã kéo dài thời gian 3 ngày với bánh cốm, 13 ngày với nem chua so với mẫu đối chứng.

Thông tin luận án NCS. Lê Thị Thuỳ Dương

  • Tên đề tài: Nghiên cứu tổng hợp nano micelle docetaxel hướng đích
  • Chuyên ngành: Hóa sinh học Mã số: 62 42 01 16
  • Họ và tên Nghiên cứu sinh: Lê Thị Thùy Dương
  • Họ và tên cán bộ hướng dẫn: PGS.TS. Lê Quang Huấn

PGS.TS. Hoàng Thị Mỹ Nhung

  • Cơ sở đào tạo: Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Đã tổng hợp được copolymer (poly (D,L-lactide-co-glycolide)-poly(ethylene glycol) (PLGA-PEG) và được xác định bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân 1H-NMR với hiệu suất đạt 79,4 ± 2,07 %.
2. Đã tổng hợp được 2 hệ nano bao gói Docetaxel (Doc) là PEG-PCL-Doc và PLGA-PEG-Doc mang các đặc điểm cho điều trị ung thư hướng đích thụ động với hiệu quả bao gói lần lượt là 83% và 88%. Hoạt tính gây độc trên dòng tế bào Hela của hệ nano PEG-PCL-Doc so với Doc tự do cao hơn khoảng 3 lần. Trong đó độc tính của hệ nano PLGA-PEG-Doc (Na-Doc) so với Doc tự do cao khoảng hơn 2 lần trên cả 3 dòng tế bào BT474, MDA-MB-231 (ung thư vú) và HCT116 (ung thư ruột).
3. Là nghiên cứu đầu tiên tổng hợp được hệ nano PLGA-PEG-Doc có gắn các phân tử scFv kháng HER2 cho điều trị ung thư hướng đích chủ động tới các tế bào ung thư biểu hiện mạnh thụ thể HER2. Trên mô hình tế bào 2D, hệ nano PLGA-PEG-Doc-scFv (Na-Doc-scFv) có hoạt tính liên kết và sự thâm nhập vào các tế bào siêu biểu hiện HER2 là BT474 mạnh hơn so với các tế bào không biểu hiện mạnh HER2 là HCT116 và MDA-MB-231. Hoạt tính gây độc tế bào của hệ nano Na-Doc-scFv so với Doc tự do trên dòng tế bào BT474 là cao nhất và gấp 6 lần, còn trên 2 dòng tế bào MDA-MB-231 và HCT116 lần lượt chỉ cao hơn gấp 3 và 2,3 lần.
4. Đã thử nghiệm hệ nano hướng đích chủ động trên mô hình khối tế bào u 3D trên 3 dòng tế bào BT474, MDA-MB-231 và HCT116, trong đó có mô hình 3D của 2 dòng tế bào BT474 và HCT116 là thích hợp cho các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các hệ nano.
5. Là nghiên cứu đầu tiên sử dụng các kháng thể có gắn các yếu tố phát quang có khả năng liên kết với đuôi His-tag định vị trên scFv để theo dõi sự xâm nhập vào khối tế bào u của hệ nano Na-Doc-scFv. Hệ nano Na-Doc-scFv xâm nhập vào khối tế bào u - BT474 mạnh hơn so với khối tế bào u - HCT116 và đã làm giảm sự sinh trưởng và làm tăng nhanh sự hình thành lõi hoại tử của các khối tế bào u 3D - BT474 mạnh hơn trên dòng tế bào HCT116.

Thông tin luận án NCS. Vương Thị Nga

  • Tên đề tài luận án: "Nghiên cứu và ứng dụng vi khuẩn sử dụng hydrocarbon trong xử lý ô nhiễm dầu ven biển"
  • Chuyên ngành: Vi sinh vật học Mã số: 62 42 01 07
  • Họ và tên Nghiên cứu sinh: Vương Thị Nga
  • Họ và tên cán bộ hướng dẫn: PGS. TS. Lại Thuý Hiền - Viện Công nghệ sinh học

PGS.TS. Trần Đình Mấn - Viện Công nghệ sinh học

  • Cơ sở đào tạo: Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Đã phân lập được 124 chủng vi khuẩn sử dụng hydrocarbon từ ven biển Việt Nam thuộc 27 loài, 16 chi và 3 ngành: Aeromonas, Acinetobacter, Burkholderia, Brevundimonas, Chryceomonas, Ochrobactrum, Enterobacter, Pseudomonas, Serratia, Morganella (ngành Proteobacteria); Rhodococcus, Janibacter (ngành Actinobacteria) và Bacillus, Leuconostoc, Lactobacillus, Paenibacillus (ngành Firmicutes).
2. Đã tuyển chọn được 3 chủng Acinetobacter soli H1, Acinetobacter calcoaceticus H3 và Rhodococcus ruber TD2 có khả năng tạo chất hoạt hóa bề mặt sinh học cao (E24 đạt 67,5±1,2 - 75±1%) và xác định được đặc điểm của chất hoạt hóa bề mặt sinh học, môi trường thích hợp cho khả năng tạo chất hoạt hóa bề mặt sinh học cũng như khả năng phân hủy dầu diesel và dầu thô của chúng.
3. Chủng Rhodococcus ruber TD2 có khả năng tạo 30,04 g/l chất hoạt hóa bề mặt sinh học thô và phân hủy được 90,07 - 99,27% dầu diesel và dầu thô tổng số trong điều kiện môi trường tối ưu. Chất hoạt hóa bề mặt sinh học do Rhodococcus ruber TD2 tạo ra là hỗn hợp của acid béo Hexadecenoic acid và Hexanedioic acid bis 2-ethylhexyl.
4. Đã tạo được chế phẩm sinh học từ chủng Rhodococcus ruber TD2 và ứng dụng chế phẩm này trong xử lý ô nhiễm dầu tại ven biển Đồ Sơn, Hải Phòng với hiệu suất phân hủy đạt hơn 99% sau 21-28 ngày. Đã xác định quần xã vi sinh vật chiếm ưu thế trong quá trình xử lý thuộc các ngành Actinobacteria, Proteobacteria, FirmicutesBacteroidetes, trong đó, Rhodococcus ruber là loài đóng vai trò chủ chốt.