Phòng Vi sinh vật đất

  • Tên phòng: Phòng Vi sinh vật đất (Soil Microbiology Laboratory)
  • Địa chỉ: Phòng 506 - 507, Nhà B4, Viện Công nghệ sinh học, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội 
  • Trưởng phòng: TS. Phan Thị Hồng Thảo
  • Điện thoại: 024 37916882/ 0916329586       Fax: 024 38363144       
  • E-mail: pthongthao@ibt.ac.vn 

Phòng Vi sinh vật đất là một trong 21 đơn vị nghiên cứu được thiết lập cùng với sự ra đời của Viện Công nghệ sinh học vào năm 1993. Hoạt động chính của Phòng ở giai đoạn này là nghiên cứu sử dụng nhóm vi khuẩn có khả năng cố định nitơ phân tử, tập trung vào đối tượng là vi khuẩn cố định nitơ phân tử sống tự do.

Giai đoạn 1995 - 2009, Phòng tập trung nghiên cứu sử dụng vi sinh vật phân giải hợp chất photphat khó tan. Trong thời gian từ năm 2004-2009, nhờ sử dụng các kỹ thuật mới và trang thiết bị hiện đại mà nhiều chủng vi khuẩn mới thuộc các loài khác nhau đã được phòng xác định. Từ các bộ sưu tập vi sinh vật hữu ích đó, phòng đã chế tạo và thử nghiệm nhiều loại chế phẩm vi sinh như Rhizoda (phân vi sinh cho cây họ đậu), Rhizolu (phân vi sinh cho lúa nước), VSVH (phân vi sinh đa chức năng cho cây trồng cạn), VSVM (vi sinh vật mùn hóa phế thải giàu cellulose), phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm Antiforhis (sử dụng trong sản xuất phòng chống bệnh thối rễ - lở cổ rễ).

Giai đoạn 2005-2012, Phòng tập trung nghiên cứu các tập đoàn vi sinh vật đất và mở rộng triển khai ứng dụng các chế phẩm phân bón cho cây trồng (quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm giống cho sản xuất và các quy trình lên men xốp các sản phẩm như chế phẩm Vi nấm đa tác dụng và Chế phẩm xạ khuẩn chống bệnh thán thư cho cây trồng và một số chế phẩm phục vụ trong nông nghiệp khác).

Giai đoạn 2013-2023, phòng VSVĐ tiếp tục nghiên cứu tạo ra các chế phẩm mới và hoàn thiện các chế phẩm sinh học đã có nhằm triển khai ứng dụng rộng rãi trong phòng trừ dịch hại cho nông, lâm nghiệp, bảo vệ đất trồng và phát triển nông, lâm nghiệp và công nghiệp bền vững. Trong đó, đối tượng vi sinh vật vùng rễ, vi sinh vật nội sinh, sự đa dạng và sự tương tác của chúng với cây trồng là hướng nghiên cứu được chúng tôi đặc biệt quan tâm và phát triển. Trong thời gian 2018-2020, với sự phát triển mạnh của Công nghệ Nano, phòng Vi sinh vật đất tham gia nghiên cứu đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của các chế phẩm phân bón nano và chế phẩm nano trong phòng trừ bệnh nấm trên cây trồng nông nghiệp và trong bảo quản quả sau thu hoạch. Bên cạnh các chế phẩm sử dụng cho nông, lâm nghiệp, phòng Vi sinh vật đất cũng đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác sử dụng các chủng vi sinh vật và các sản phẩm trao đổi chất của chúng trong công nghiệp giấy nhằm giảm thiểu sử dụng hoá chất độc hại và ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp. Thông qua các nghiên cứu, trong thời gian này, phòng Vi sinh vật đất đã làm chủ được một số chế phẩm sinh học ứng dụng cho hạn chế nấm bệnh và sâu bệnh hại cho cây trồng nông, lâm nghiệp; chế phẩm sinh học (chế phẩm vi sinh, chế phẩm enzym) ứng dụng trong công nghiệp sản xuất giấy và đã triển khai, đánh giá ở quy mô công nghiệp và được một số doanh nghiệp đánh giá cao.

Đến nay, Phòng Vi sinh vật đất đã làm chủ nhiều loại chế phẩm sinh học (chế phẩm vi sinh hữu ích cho cây trồng, chế phẩm sinh học enzym), mang lại hiệu quả cao trong nông, lâm nghiệp và công nghiệp sản xuất giấy, đồng thời liên tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Phòng có khả năng chuyển giao công nghệ và cung cấp các chế phẩm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong hạn chế bệnh cho cây trồng nông, lâm nghiệp và chế phẩm sinh học ứng dụng trong ngành công nghiệp giấy ở các quy mô khác nhau. Nhân sự hiện nay của phòng gồm 07 người (02 Tiến sỹ, 01 Nghiên cứu sinh, Thạc sỹ; 03 Thạc sỹ và 01 Cử nhân). Ngoài ra, hàng năm luôn có các sinh viên tới thực tập và làm khóa luận tốt nghiệp.

Lãnh đạo phòng qua các thời kỳ

1993 – 2002           Trưởng phòng        TS. Nguyễn Thị Phương Chi
2002 – 2009 Trưởng phòng  TS. Nguyễn Ngọc Dũng
6/2009 – 12/2009  Phụ trách phòng  PGS. TS. Nguyễn Đình Thi
1/2010 – 9/2012  Trưởng phòng  PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng
6/2013 – 4/2014  Phụ trách Phòng TS. Phan Thị Hồng Thảo
5/2014 – 8/2015 Phó trưởng phòng và Phụ trách phòng TS. Phan Thị Hồng Thảo
9/2015 đến nay  Trưởng phòng  TS. Phan Thị Hồng Thảo

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng

  • Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Vi sinh vật đất nhằm mục đích khai thác ứng dụng trong công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường;
  • Triển khai và phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ vi sinh vật đất vào sản xuất và đời sống;
  • Tham gia công tác đào tạo trong lĩnh vực vi sinh vật đất.

Đào tạo

Từ 2013 đến nay đã có khoảng 40 cử nhân và 8 thạc sĩ được đào tạo tại Phòng Vi sinh vật Đất thông qua việc thực hiện đề tài các cấp. Một cán bộ của Phòng được đào tạo TS tại Đức. Hiện nay, 1 cán bộ nghiên cứu của Phòng đang được đào tạo tiến sỹ tại Phòng Công nghệ Sinh học Môi trường, Trung tâm Môi trường Đất nước, Nghiên cứu Khoa học quốc gia Québec INRS, Canada trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa hai đơn vị.
Cán bộ trong phòng cũng tham gia đào tạo và giảng dạy tại một số trường Đại học trong nước (trường Đại học Công nghệ Đông Á, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Mở Hà Nội).

Hợp tác

Hợp tác quốc tế

Hợp tác và trao đổi với Giáo sư Kokou Adjallé, Phòng Công nghệ Sinh học Môi trường, Trung tâm Môi trường Đất nước, Nghiên cứu Khoa học quốc gia Québec INRS, Canada, với địa chỉ tại: 490, Đường Couronne, Québec (Québec) G1K 9A9, Canada trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành giấy.
Hợp tác với GS. Tsutomu Morinaga tại trường đại học Hiroshima (Nhật) trong nghiên cứu phát triển/ trao đổi chủng giống và sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất bột giấy sinh học.