Phòng Kỹ thuật di truyền

  • Tên phòng: Phòng Kỹ thuật di truyền (Genetic Engineering Laboratory)
  • Địa chỉ: Phòng 306, Nhà A10, Viện Công nghệ Sinh học, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Trưởng phòng: PGS. TS. Đỗ Thị Huyền
  • Điện thoại: 024 37917021/ 0967060875   Fax: 024 37560339     
  • Email: dohuyen@ibt.ac.vn 
  • Phó trưởng phòng: TS. Lê Thị Thu Hồng
  • Điện thoại: 024 37917021/ 0948047977   Fax: 024 37560339     
  • Email: lethuhong@ibt.ac.vn 

anhchunktdt

Phòng Kỹ thuật di truyền chính thức được thành lập theo Quyết định số 109/CNSH-QĐ ngày 13 tháng 5 năm 2000 của Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học. Tiền thân của phòng là nhóm nghiên cứu kỹ thuật gen thuộc phòng Công nghệ ADN ứng dụng được thành lập từ năm 1998. Ngày đầu thành lập, phòng có 5 cán bộ biên chế đó là TS. Trương Nam Hải, TS. Phạm Thúy Hồng, TS. Hoàng Việt, CN. Nguyễn Thanh Thủy, ThS. Lê Văn Trường và sau đó có thêm CN. Hoàng Thị Nhung và 5 cán bộ hợp đồng gồm có ThS. Đặng Sỹ Hải, ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, HVCH. Đỗ Thị Huyền, CN. Lê Thị Thu Hồng, CN. Nguyễn Văn Đạt. TS. Trương Nam Hải được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng và TS. Phạm Thúy Hồng giữ chức vụ Phó trưởng phòng. Trải qua 23 năm phát triển, nhiều cán bộ nghiên cứu cũ của Phòng đã chuyển cơ quan công tác và nhiều cán bộ trẻ được nhận về làm việc tại Phòng. Ngay từ ngày thành lập, các cán bộ trọng trách của Phòng đã chú trọng vào nhân lực, con người nên các cán bộ trẻ vào phòng nhanh chóng được đào tạo ở trong và ngoài nước. Hiện nay, số lượng cán bộ của phòng có 11 người, trong đó có 4 cán bộ trong biên chế và 7 cán bộ hợp đồng. Phòng hiện có 1 GS, 1 PGS, 4 TS, 3 NCS, 1 CN và 1 KTV.

Lãnh đạo phòng qua các thời kỳ

2000-2008      Trưởng phòng               TS. Trương Nam Hải
  Phó Trưởng phòng  TS. Phạm Thúy Hồng
2008-2014 Trưởng phòng GS.TS. Trương Nam Hải
  Phó Trưởng phòng  TS. Đỗ Thị Huyền
2014-nay Trưởng phòng PGS. TS. Đỗ Thị Huyền
  Phó Trưởng phòng  TS. Lê Thị Thu Hồng

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng

Phòng Kỹ thuật di truyền có các chức năng nhiệm vụ sau: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Kỹ thuật di truyền; Triển khai và phối hợp triển khai các thành tựu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực Kỹ thuật di truyền vào sản xuất và đời sống; Tham gia công tác đào tạo trong lĩnh vực Kỹ thuật di truyền.

Bám sát chức năng nhiệm vụ của đơn vị đó là sử dụng kỹ thuật di truyền, sinh học phân tử để phân tích nguồn gen, khai thác gen và tạo các chủng tái tổ hợp sản xuất kháng thể, enzyme, protein sử dụng trong y dược, nông nghiệp. Trong thời gian qua, Phòng đã định hướng nghiên cứu, phát triển thuộc các các lĩnh vực sau:

  • Nghiên cứu đa hệ gen vi khuẩn ở bệnh nhi tiêu chảy kéo dài chưa rõ nguyên nhân bằng công nghệ Metagenomics nhằm tìm tác nhân gây bệnh và gen kháng thuốc. Mục đích của nghiên cứu là nhằm xác định được một số vi khuẩn có khả năng là tác nhân gây bệnh ở bệnh nhi bị tiêu chảy kéo dài chưa rõ nguyên nhân, đánh giá được sự mất cân bằng hệ vi khuẩn ở bệnh nhi và sự đa dạng gen kháng kháng sinh/gen mã hóa độc tố của vi khuẩn ở trẻ tiêu chảy kéo dài chưa rõ nguyên nhân;
  • Nghiên cứu khai thác các gen mã hóa enzyme, protein có đặc tính quý bằng công nghệ Metagenomics từ các nguồn mini sinh thái như ruột mối, dạ cỏ dê, mẫu đất, .... Từ đó, lựa chọn một số protein, enzyme mới để nghiên cứu biểu hiện nhằm ứng dụng trong nghiên cứu và sản xuất;
  • Nghiên cứu sản xuất các protein có giá trị trong y dược như IL-2, IL-3, IL-11 người trong tế bào E. coli và nấm men. Nghiên cứu sản xuất một số protein enzyme như sumoprotease, enterokinase,... phục vụ cho nghiên cứu biểu hiện protein tái tổ hợp;
  • Nghiên cứu sản xuất kháng thể đơn dòng bằng công nghệ lai tế bào hybridoma phục vụ cho y tế. Nghiên cứu sản xuất kháng thể đơn chuỗi tái tổ hợp dùng cho xác định nhóm máu;
  • Nghiên cứu sản xuất vaccine và kit chẩn đoán Salmonella dựa trên protein tái tổ hợp.
  • Nghiên cứu sản xuất bacteriocin tái tổ hợp dùng trong bảo quản thực phẩm.
  • Nghiên cứu xác định các SNPs đặc thù người Việt Nam nhằm phục vụ cho định danh hài cốt liệt sĩ;
  • Nghiên cứu xác định các vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu không thông qua nuôi cấy.

Đào tạo

Đào tạo tiến sỹ

  1. NCS. Nguyễn Thị Bình. Nghiên cứu đa dạng khu hệ vi khuẩn quanh nấm mục trắng và biểu hiện enzyme thủy phân lignocelluloses bằng kỹ thuật metagenomics. Học Viện Khoa học và Công nghệ. Dự kiến bảo vệ năm 2023.
  2. NCS. Đào Trọng Khoa. Xây dựng cơ sở dữ liệu DNA metagenome hệ vi sinh vật ruột dê và khai thác, nghiên cứu tính chất của endo-xylanase và expansin. Học Viện Khoa học và Công nghệ. Dự kiến bảo vệ năm 2023.
  3. TS. Lê Ngọc Giang (2021). Mining of metagenomes for lignocelluloses degrading enzymes in animal guts. Trường Đại học VU Amtesdam.
  4. TS. Nguyễn Khánh Hoàng Việt (2020). Nghiên cứu khai thác, đánh giá đa dạng trình tự mã hóa enzyme thủy phân Cellulose từ khu hệ vi khuẩn trong dạ cỏ dê bằng kỹ thuật Metagenomics. Học Viện Khoa học và Công nghệ.
  5. TS. Nguyễn Thị Quý (2017). Nghiên cứu biểu hiện, tinh chế và bước đầu đánh giá đặc tính sinh học của Interleukin-11 người tái tổ hợp. Viện Công nghệ sinh học.
  6. TS. Nguyễn Minh Giang (2017). Khai thác dữ liệu DNA đa hệ gen, biểu hiện và nghiên cứu tính chất của β-xylosidase từ vi sinh vật ruột mối Coptotermes gestroi ở Việt Nam. Đại học sư phạm Hà Nội.
  7. TS. Võ Viết Cường (2017). Nghiên cứu biểu hiện kháng nguyên hemagglutinin (HA) tái tổ hợp của virus cúm A/H5N1 và đánh giá tính sinh miễn dịch trên gà. Viện Công nghệ sinh học.
  8. TS. Nguyễn Hồng Thanh (2016). Structural characterization of animal adenovirus fibre heads. Centro Nacional de Biotecnologia, CNB-CSIC/Viện Công nghệ sinh học.
  9. TS. Nguyễn Thị Thảo (2015). Nghiên cứu gen mã hóa enzyme tham gia thủy phân Cellulose từ khu hệ vi khuẩn ruột mối bằng kỹ thuật metagenomics. Trường Đại học khoa học tự nhiên.

Đào tạo thạc sỹ

  1. HVCH Ngọc Thu Thảo. Nghiên cứu đa dạng gen 16S rRNA của vi khuẩn trong phân bệnh nhi tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân. Trường Đại học Y Hà Nội. Dự kiến bảo vệ năm 2023.
  2. ThS. Cao Thị Dung (2022). Nghiên cứu tinh chế và xác định một số đặc tính của endoglucanase GH5CBM72CBM72 tái tổ hợp có nguồn gốc từ vi sinh trong dạ cỏ dê. Học Viện Khoa học và Công nghệ.
  3. ThS. Đặng Thị Ngọc Hà (2016). Nghiên cứu biểu hiện kháng thể đơn chuỗi tái tổ hợp nhận biết kháng nguyên nhóm máu A trong Escherichia coli. Sinh học thực nghiệm, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật.
  4. ThS. Lưu Hàn Ly (2016). Nghiên cứu đa dạng hệ vi khuẩn và enzyme thủy phân lignocelluloses từ dữ liệu metagenome của vi khuẩn trong dạ cỏ dê. Đại học khoa học tự nhiên.
  5. ThS. Nguyễn Thị Hằng (2015). Tạo dòng tế bào lai sản xuất kháng thể đơn dòng kháng kháng nguyên A (nhóm máu A) trên màng tế bào hồng cầu người. Viện Sinh thái và TNSV.
  6. ThS. Nguyễn Thị Minh Thu (2015). Nghiên cứu sản xuất Interleukin-2 người tái tổ hợp dạng cải biến trên dòng tế bào Escherichia coli trong điều kiện GMP. Viện Sinh thái và TNSV
  7. ThS. Nguyễn Thị Mai Dung (2015). Nghiên cứu điều kiện biểu hiện protein Interleukin-3 người tái tổ hợp dung hợp với pelB trong Escherichia coli. Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
  8. ThS. Đào Trọng Khoa (2015). Tinh chế Interleukin-2 người tái tổ hợp cải biến trong Escherichia coli ở quy mô nồi lên men và tạo công thức bán thành phẩm. Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
  9. ThS. Nguyễn Thị Dung (2014). Nghiên cứu biểu hiện gen mã hóa Asparaginase của Aspergillus oryzae trong nấm men Pichia pastoris. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Đào tạo cử nhân/kỹ sư/thực tập sinh: 34 sinh viên.

Hợp tác

Hợp tác quốc tế

  • Hợp tác với Đức: Đây là đối tác đã được xây dựng từ lâu của nhóm nghiên cứu. Ngay từ khi thành lập Phòng, chúng tôi đã có hợp tác về phân tích tin sinh, mô phỏng cấu trúc, ... với nhóm nghiên cứu Bioinformatics Department, Institute of Technical Biochemistry của Trường Đại học Stuttgart. Trong năm 2017, chúng tôi tiếp tục hợp tác để xây dựng đề tài nghiên cứu "Nghiên cứu sản xuất một số enzyme phân hủy Lignocellulose trên cơ sở khai thác dữ liệu Metagenome" thuộc chương trình kinh tế sinh học giữa Bộ KH & CN và BMBF đã được phê duyệt. Ngoài ra, trong đề tài này còn có thêm sự hợp tác với nhóm nghiên cứu của trường Đại học Hamburg. Đề tài mới được nghiệm thu cấp nhà nước vào tháng 6 năm 2023.
  • Hợp tác với Hà Lan: Trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu metagenome của các hệ vi sinh vật từ một số môi trường đặc thù nhằm tìm kiếm các gene, enzyme, chất xúc tác sinh học mới để sản xuất các chế phẩm phục vụ đời sống, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường hợp tác với Trường Đại học VU Amtesdam, Hà Lan, đề tài "Nghiên cứu metagenome của một số hệ sinh thái mini tiềm năng nhằm khai thác các gen mới mã hóa hệ enzyme chuyển hóa hiệu quả lignocelluloses" đã được thực hiện. Nhiều lượt cán bộ đã sang đó công tác và một cán bộ đã bảo vệ luận án tiến sỹ năm 2021.
  • Hợp tác với Nhật Bản: Các cán bộ trong Phòng vẫn luôn duy trì hợp tác với đối tác thuộc Viện nghiên cứu thực phẩm quốc gia (NFRI), Tsukuba. Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, Phòng đã thực hiện hai đề tài hợp tác theo hướng nghiên cứu tìm kiếm enzyme phân giải lignocellulose thuộc chương trình học bổng UNU-Kirin và chương trình nghị định thư với Nhật Bản của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo các chương trình này, Phòng đã cử nhiều lượt cán bộ sang để trao đổi hợp tác cũng như học tập và nghiên cứu tại viện NFRI. Các đề tài hợp tác đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt.