Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gen

  • Tên phòng: Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gen (National Key Laboratory of Gene Technology)
  • Địa chỉ: Phòng 705 - 708, 805 - 808, Nhà B4, Viện Công nghệ sinh học, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Điện thoại: 024 37562790                 Fax: 024 38363144
  • Giám đốc:  GS. TS. Chu Hoàng Hà   Điện thoại: 024 37562790        E-mail: chuhoangha@ibt.ac.vn
  • Phó Giám đốc: TS. Bùi Văn Ngọc     Điện thoại: 024 37568286        E-mail: bui@ibt.ac.vn
 
Dự án Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gen (PTNTĐCNG) thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học được đầu tự theo Quyết định số 850 QĐ/TTg ngày 07 tháng 09 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng các Phòng thí nghiệm trọng điểm.

Theo Quyết định số 315/QĐ-BKHCNMT ngày 21 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) Viện Công nghệ sinh học (VCNSH) đã được công nhận là cơ quan chủ trì xây dựng PTNTĐCNG.

Ngày 24 tháng 1 năm 2003 Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ký Quyết định số 68/QĐ-KHCNQG về việc thành lập PTNTĐCNG trực thuộc Viện CNSH.

Tháng 7/2008 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chế chính thức về tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm, theo đó, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gen là một đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, trực thuộc và chịu sự chỉ đạo của Viện Công nghệ sinh học về mặt hành chính, được độc lập trong việc tổ chức các hoạt động KH&CN. Các hoạt động của PTNTĐCNG chịu sự quản lý chung của Lãnh đạo Viện, với sự hỗ trợ của các bộ phận chức năng (Văn thư, Kế toán-Tài Vụ, Đào tạo, Hợp tác quốc tế...) thuộc Phòng Quản lý Tổng hợp của Viện.

Đến năm 2023, tổng số nhân sự của phòng là 13 cán bộ, trong đó có 01 GS, 02 TS, 04 NCS, 01 ThS, 05 KS/CN. Ngoài ra, PTNTĐCNG còn có một số cán bộ làm việc kiêm nhiệm như GS. TS. Lê Thanh Hòa (Phòng Miễn dịch học), TS. Nguyễn Trung Nam (TT Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc và liệu pháp gen), PGS.TS. Đồng Văn Quyền (Phòng Vi sinh vật học phân tử), PGS.TS. Phí Quyết Tiến (TT Giống và Bảo tồn nguồn gen Vi sinh vật), PGS.TS. Đỗ Thị Huyền (Phòng Kỹ thuật di truyền), TS. Hoàng Hà (TT Giám định ADN).

Tổ chức bộ máy của PTNTĐCNG bao gồm một Giám đốc điều hành và một số Phó Giám đốc giúp việc. Từ khi được đầu tư Dự án Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ Gen giai đoạn 2001-2005, PGS. TS. Nông Văn Hải được Viện trưởng giao kiệm nhiệm phụ trách các công tác của PTNTĐCNG. Từ năm 2008, PGS. TS. Nông Văn Hải được Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm làm Giám đốc PTNTĐCNG. PGS.TS. Đinh Duy Kháng được phân công làm Phó Giám đốc PTNTĐCNG.

Từ tháng 9/2012 Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bổ nhiệm PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Phó Giám đốc PTNTĐCNG làm Giám đốc PTNTĐCNG thay PGS. TS. Nông Văn Hải được điều chuyển công tác. Từ tháng 2/2013 Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đã quyết định bổ nhiệm TS. Đồng Văn Quyền, Trưởng phòng Vi sinh vật phân tử làm Phó Giám đốc PTNTĐCNG. Từ tháng 11/2014, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đã quyết định bổ nhiệm TS. Nguyễn Trung Nam làm Phó Giám đốc PTNTĐCNG. Từ tháng 10/2017 Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đã quyết định bổ nhiệm TS. Bùi Văn Ngọc làm Phó Giám đốc PTNTĐCNG.
 
Lãnh đạo phòng qua các thời kỳ
 
2001 – 2005     Phụ trách           GS. TS. Nông Văn Hải
2008 – 2012  Giám đốc GS. TS. Nông Văn Hải
2008 – 2012 Phó giám đốc  PGS. TS. Đinh Duy Kháng
2009 – 2012 Phó giám đốc  GS. TS. Chu Hoàng Hà
2012 – nay  Giám đốc GS. TS. Chu Hoàng Hà
2013 – 2017 Phó giám đốc    PGS. TS. Đồng Văn Quyền
2014 – 2019 Phó giám đốc    TS. Nguyễn Trung Nam
2017 – nay Phó giám đốc    TS. Bùi Văn Ngọc

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng

PTNTĐCNG là đơn vị nghiên cứu, triển khai, dịch vụ, tư vấn khoa học và công nghệ về công nghệ gen và các lĩnh vực có liên quan. PTNTĐCNG hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm, ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BKHCN ngày 08 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và các quy định khác của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Công nghệ sinh học. PTNTĐCNG là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng để giao dịch và được mở tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại kho bạc và ngân hàng. PTNTĐCNG tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Viện Công nghệ sinh học theo hướng công nghệ gen và các hướng khác có liên quan của Viện. Chức năng và nhiệm vụ của Phòng như sau:

Chức năng của PTNTĐCNG:

  • Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về công nghệ gen và các lĩnh vực có liên quan.
  • Tiến hành các dịch vụ, tư vấn khoa học và công nghệ về công nghệ gen và các lĩnh vực có liên quan.
  • Tham gia đào tạo cán bộ và hợp tác quốc tế về công nghệ gen và các lĩnh vực có liên quan.

Nhiệm vụ của PTNTĐCNG:

  • Tiến hành các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng genomics, proteomics, metabolomics, bioinformatics trên các đối tượng người, động vật, thực vật và vi sinh vật.
  • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen trong y - dược, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường; giám định gen và sinh vật biến đổi gen; nghiên cứu bảo tồn và khai thác nguồn gen đặc hữu của nước ta.
  • Triển khai các dịch vụ, tư vấn khoa học công nghệ, tham gia xây dựng chính sách có liên quan đến công nghệ gen và các lĩnh vực có liên quan.
  • Tham gia đào tạo cán bộ (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ và sau tiến sỹ) có năng lực nghiên cứu và chuyên sâu về công nghệ gen và các lĩnh vực có liên quan.
  • Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc về công nghệ gen và các lĩnh vực khác có liên quan.
  • Quản lý trang, thiết bị của PTNTĐCNG.

Đào tạo

Trong 10 năm trở lại đây các cán bộ kiêm nhiệm hoặc cơ hữu thuộc Phòng TNTĐCNG đã và đang tham gia hướng dẫn chính hoặc đồng hướng dẫn tổng cộng: 258 cử nhân/kỹ sư, 218 thạc sĩ và khoảng trên 100 nghiên cứu sinh thuộc các cơ sở đào tạo thuộc Bộ GD&ĐT hoặc các cơ sở đào tạo trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN VN như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, Học Viện Khoa học và Công nghệ, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Hợp tác quốc tế

Trong các năm 2019-2023 PTNTĐCNG đã đón tiếp và giới thiệu với nhiều đoàn khách quốc tế và các nhà khoa học từ Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Liên bang Nga,...Trong đó, có nhiều đoàn cấp cao của các công ty, tập đoàn, các Viện Hàn lâm các nước. Các đoàn đều đánh giá cao đầu tư trang thiết bị và trình độ nghiên cứu của PTNTĐCNG đã tổ chức được một số lớp tập huấn quốc tế về Tin sinh học cho các cán bộ trong và ngoài Viện; PTNTĐCNG cũng là địa điểm thực tập và trao đổi khoa học hàng năm, cho các học viên của các khóa đào tạo sau đại học của các đơn vị đào tạo trong nước cũng như quốc tế.